Kinh Pháp Cú các thể loại (kệ, thơ, tranh, văn xuôi)
- Sa-môn (Pali: samaṇa): Chỉ những tu sỹ Phật giáo nói chung, và chỉ những tu sỹ cố gắng tinh tấn tu học nói riêng. Sa-môn thường dùng để phân biệt với Bà-la-môn là những tu sỹ theo đạo Bà-la-môn.
- Bà-la-môn (Pali: brāhmaṇa): Chỉ những người đáng tôn kính vì đạo hạnh cao dày nói chung, hoặc chỉ những người thuộc giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn Độ. Theo nghĩa hẹp thì Bà-la-môn là những tu sỹ theo đạo Bà-la-môn.
- Tỳ-kheo/tỷ-khưu (Pali: bhikkhu): Vốn được dùng để chỉ những vị khất sỹ (tu sỹ đi khất thực) trong xã hội Ấn Độ nói chung, và trong Phật giáo thì tỳ-kheo chỉ những người trưởng thành thọ giới chuyên tu theo Phật.
- Tăng đoàn/tăng-già (Pali: saṅgha): Chỉ đoàn thể các tu sỹ nói chung và tỳ-kheo Phật giáo nói riêng. Ở Việt Nam, Chữ "tăng" đơn lẻ còn được dùng để chỉ một vị tỳ-kheo riêng lẻ, và "chư tăng" để chỉ "các tỳ-kheo".
- A-la-hán (Pali: arahant): Vốn được dùng để chỉ những bậc thánh tu hành đắc đạo nói chung, và trong Phật giáo thì A-la-hán chỉ một bậc đã hoàn toàn giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh-tử.
- Niết-bàn (Pali: nibbāna): Là trạng thái của một người đã hoàn toàn giải thoát khỏi những đau khổ, phiền não, những tư tưởng sai lầm, những cảm xúc tiêu cực (tham-sân-si), và khỏi vòng luân hồi sanh-tử. Niết-bàn là mục đích tu tập của hầu hết các tôn giáo Ấn Độ như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Kỳ-na giáo, đạo Sikh, v.v.
- Phật/Phật-đà (Pali: Buddhã): Theo nghĩa hẹp là vị giáo chủ của đạo Phật, tức Phật Thích-ca-mâu-ni. Theo nghĩa rộng là một bậc khai sáng hoàn toàn, có khả năng biết hết mọi thứ (toàn giác) và đem giáo pháp của mình ra để chỉ dạy cho mọi người. Trong tiếng Việt, ngoài từ Hán-Việt "Phật" ra, chúng ta còn có chữ Nôm "Bụt" vốn là phiên âm trực tiếp từ "Buddhã", nhưng đã bị biến nghĩa đi theo hướng bình dân hơn.